Xin lỗi anh chị em vì cái title dài vãi chưởng, nhưng do nhặt nhạnh ở nơi khác về nên cần quote đủ title để đảm bảo không phải ăn cắp.
Một sáng thứ 2 mưa phùn âm u như kiểu Hải Phòng những ngày ôn thi đại học gần chục năm trước. Mình thì chúa ghét cái thời tiết thế này, ra đường cũng luôn luôn phải nín nhịn để không gào mồm lên chửi bọn đi ngược chiều cứ lao thẳng vào mặt mình. Thứ 2 luôn là ngày không vui vẻ tuy nhiên mọi thứ tan biến sau khi đọc được bài pv chú dịch trả Đăng Thư – Tên thật là Trần Đức Tài. Cơ duyên hay vô tình mà mình đọc và mua gần hết những bản chú ấy dịch, cảm nhận rõ được sự liền lạc, sử dụng từ ngữ uyển chuyển có cân nhắc, chi tiết kể cả khi đọc bản gốc như 2 quyển Đất máu Sicily” của Mario Puzo, “Sherlock Holmes” của Arthur Conan Doyle.
Mọi người cùng đọc bài pv của Bên Phía Nhà Z với chú dịch giả Đăng Thư này.
PS: mình vừa mua khi loài vật lên ngôi xong còn chưa kịp đọc.
>
Tín Hữu của Đam mê và Chuyên nghiệp – Trò chuyện với Đăng Thư – dịch giả tiểu thuyết “Khi loài vật lên ngôi” của Karel Capek
Mục trò chuyện với dịch giả của Bên phía nhà Z lần này xin đươc giới thiệu với bạn đọc dịch giả Đăng Thư, còn có bút danh khác là Đức Tài, Trần Ngọc Đăng, hoặc ký nguyên họ tên thật là Trần Đức Tài. Anh là dịch giả của nhiều tác phẩm văn chương kinh điển và các tác phẩm phi hư cấu khác. Anh chính là người đưa “Hoá thân” của Franz Kafka đến Việt Nam, cùng với “Đất máu Sicily” của Mario Puzo, “Sherlock Holmes” của Arthur Conan Doyle, “Lũ trẻ đường ray” của E. Nesbit… và gần đây nhất là “Khi loài vật lên ngôi” của Karel Čapek và “Tom Sawyer trên khinh khí cầu & Tom Sawyer làm thám tử” của Mark Twain. Hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật gần 30 năm, những bản dịch đối với anh, “là bao kỷ niệm buồn vui. Những cuốn sách này là cả một trời hy vọng và tuyệt vọng. Chúng không chỉ là một thứ sản phẩm tôi mua hay tôi làm ra. Đó là máu thịt, tâm tư, và tôi đánh cược cả tương lai mình vào chúng.”
Được anh Đăng Thư, một dịch giả lão luyện trong làng dịch thuật, đồng ý tham gia phỏng vấn, là một sự may mắn vô cùng với nhà Z. Xin chân thành cảm ơn anh đã đồng ý thực hiện cuộc trò chuyện này.
Nhà Z
Được biết tác phẩm đầu tay của anh dịch sang Tiếng Việt từ năm 1988, với tựa đề “Bay vào nguy hiểm” của Arthur Hailey & John Castle. Tiếp ngay đó là “Chiến dịch cá heo” của Robert Merle do NXB Trẻ ấn hành cùng năm khi anh mới 24 tuổi. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với dịch thuật và các tác phẩm này khi tuổi đời còn trẻ như vậy?
Đăng Thư
Thời đó, tôi đến với việc dịch thuật vừa là ngẫu nhiên vừa là không thể chọn lựa. Tôi không tìm được việc làm mà cũng không biết nghề nghiệp gì để làm. Việc tôi học tiếng Anh trước đó cũng không nhằm mục tiêu dịch thuật mà chỉ để thưởng thức văn chương và mở mang kiến thức. Hoàn cảnh xã hội khi ấy cũng không có nhiều cơ hội việc làm như bây giờ và lúc đó ở Sài Gòn tôi không có cả bằng cấp lẫn hộ khẩu thì gần như mọi cánh cửa đều đóng lại. Tôi phải tìm cho mình một nghề phù hợp và tôi nhận ra hình như công việc duy nhất tôi có thể làm là dịch sách. Thế là tôi chọn trong số những sách tiếng Anh đã đọc và bắt đầu dịch trên máy chữ. Dịch xong thì mang bản thảo tìm đến các nhà xuất bản có văn phòng ở Sài Gòn làm quen và gửi bản thảo. Trong lúc chờ đợi nhà xuất bản trả lời thì tôi dịch tiếp, đọc tiếp để chọn dịch. Bản dịch đầu tay “Bay vào nguy hiểm” (Arthur Hailey & John Castle) xuất bản năm 1988 sau một năm chờ đợi đã mở cho tôi một cánh cửa. Thực tế vào thời điểm đó, tôi đánh cược cả tương lai mình vào những bản dịch đầu tay ấy.
Tôi may mắn ngay bản thảo đầu tiên nhưng đường đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ, việc dịch thuật của tôi thời đó cũng vậy. Tôi không biết gì về nhu cầu thị trường. Tôi muốn có một nghề vững vàng nhưng lại ngây thơ nên tôi cứ chọn dịch cuốn sau khó hơn cuốn trước, luyện dịch nhiều thể loại và chỉ dịch những gì mình thích. Trong năm năm từ 1987 cho đến 1992, tôi dịch hơn 15 tác phẩm thì chỉ xuất bản được sáu! Những tác phẩm khác hoặc là bị nhà xuất bản từ chối vì “không ăn khách”, hoặc chính tôi bỏ dở dang vì chưa xong đã thấy cuốn đó do người khác dịch được in ra trước. Buồn vui là thế, hy vọng và tuyệt vọng là thế. Nhưng chính nhờ thời gian đó mà tôi rèn luyện được kỹ năng dịch thuật nhanh nhưng vẫn kỹ lưỡng và sự nhạy cảm với ngôn ngữ. Tôi coi trọng sự kỹ lưỡng ngay từ đầu vì tôi không muốn bị gạt khỏi cánh cửa nghề nghiệp duy nhất của tôi vào lúc đó. Và tôi phải luyện làm sao dịch cho nhanh nhất có thể để còn thời gian đọc và học và đeo đuổi những đam mê tuổi trẻ.
Nhà Z
Bản dịch “Hoá thân” của anh cũng ra đời liền sau đó, năm 1989. Sao anh lại lựa chọn dịch Kafka?
Đăng Thư
Tôi không dám nhận là người đưa “Hoá Thân” (Kafka) đến Việt Nam. Tôi dịch “Hoá Thân” từ năm 1989 và được NXB Văn Học in cũng trong năm đó chung một tập với bản dịch “Vụ Án” của Phùng Văn Tửu. Sách in xong tôi mới được một người cho mượn đọc một bản dịch từ tiếng Pháp đã xuất bản ở Sài Gòn trước 1975.
Ở tuổi 25 tôi đâu biết Kafka là khó dịch, tôi dịch vì một thôi thúc tự bên trong. Một buổi chiều, tôi mua đại cuốn “Metamorphosis and Other Stories” của Kafka (bản dịch của Willa & Edwin Muir) ở một hiệu sách cũ và đọc chơi, không hề biết trước cái gì đang chờ đợi mình giữa những trang giấy. Ngay lúc đó, tôi tưởng như chính Kafka an ủi tôi, cảm thông với tôi, và Kafka viết “Metamorphosis” là dành cho tôi. Thế là đọc xong tôi dịch ngay. Dịch bằng cái máy đánh chữ lọc cọc. Dịch để thấy mình không cô độc. Và dịch một mạch trong một cảm giác hạnh phúc đau đớn khó tả. Chữ nghĩa cứ tuôn ra trên chiếc máy đánh chữ, không cho tôi ngừng lại, chỉ trừ khi thay giấy ở dòng cuối cùng của mỗi trang giấy đánh máy đen hẩm u ám. Hay chỉ ngừng khi những nhu cầu ăn ngủ đói khát cần được giải quyết. Tôi dịch lên đồng… trong vòng hai tuần lễ.
Sau này đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn tôi mới biết Kafka là… khó dịch. Các học giả, chuyên gia cứ bắt bẻ từng chữ. Thời ấy, nếu biết trước những điều đó, có lẽ tôi đã không dám dịch Kafka rồi. Như tôi đã nói ở trên, thời ấy tôi thích thì tôi dịch, xuất bản được hay không tính sau. Việc dịch gần như là một nhu cầu của cảm xúc và để quên bế tắc. Tôi dịch “Hoá Thân” chỉ vì không thể không dịch. Tôi chỉ lắng nghe lòng mình. Thật là đơn giản. Và cũng cần chút liều lĩnh ngây thơ của tuổi trẻ để làm điều mình thích, mình cần.
Nhà Z
30 năm qua, anh đã cho ra đời nhiều đầu sách. Dịch sách với anh có phải là một nghề chuyên nghiệp, anh có sống được bằng nghề này?
Đăng Thư
Nếu hiểu nghề chuyên nghiệp là một công việc toàn thời gian và là nguồn thu nhập chính thì tôi chưa bao giờ là người chuyên nghiệp. Ngay từ đầu, tôi đã không dịch toàn thời gian, việc dịch sách chủ yếu chỉ trang trải cho nhu cầu đọc và học các kỹ năng làm báo của tôi. Tôi bắt đầu muốn chuyển hướng sang báo chí vì khi bắt đầu cộng tác dịch và viết cho các báo từ 1992, tôi thấy mức nhuận bút báo chí tốt hơn. Tôi xem mười năm 1987-1997 là giai đoạn luyện văn; luyện nghề và từ 1997 thì tôi sống bằng nghề báo chuyên nghiệp trong khi vẫn dịch vào lúc rảnh rỗi. Giai đoạn này, tôi dịch để xuất bản chủ yếu là các sách chuyên môn và sách tham khảo, còn văn chương thì thỉnh thoảng cao hứng dịch chơi cho mình đọc. Từ 2013 tôi không làm báo nữa và quay lại dịch văn chương nhưng dịch thuật vẫn là công việc part-time vào buổi tối như một thú vui. Tôi cũng vẫn làm những việc tôi thích, dịch những sách tôi thích, vậy thì tôi là một người “amateur” theo nguyên nghĩa của từ ấy: “người yêu việc mình làm”.
Còn nói sống được với nghề dịch thuật hay không thì ngay cả ở Anh-Mỹ, dịch giả văn học cũng không sống được với nghề. Hầu hết họ là những giảng viên hay giáo sư ngôn ngữ hay văn học so sánh ở các đại học. Dịch văn chương vẫn là công việc part-time của họ vì yêu thích hơn là vì tiền. Theo một tài liệu tôi có, vào thời điểm 2015, mức nhuận bút cao nhất ở Anh-Mỹ cho một bản dịch ra tiếng Anh của một tác phẩm văn học có độ dài trung bình là 80.000 chữ (words) – tức khoảng 300 trang sách in – là 12.000 USD. Nghe thì có vẻ to tát nhưng thực tế là mức nhuận bút ấy sau khi trừ các thứ thuế và bảo hiểm, chỉ đủ sống nếu dịch toàn thời gian và may mắn có sách dịch liên tục. Cứ cho là ba tháng hoàn tất một bản dịch độ dài như vậy – lâu hơn nữa nếu gặp sách khó – thì mức nhuận bút này chỉ tương đương với mức lương tháng trung bình của một sinh viên mới ra trường đi làm, còn độc thân, và tất nhiên là thấp hơn nhiều so với mức lương giảng viên hay giáo sư đại học. Theo số liệu trên thì ta có thể biết công dịch một chữ ở Anh-Mỹ là 15 cent, tức khoảng 3500 VND. Nếu như người dịch nước ta hiện nay được trả công bằng nửa mức giá ấy thôi thì tôi không ngại gì mà không làm người dịch chuyên nghiệp toàn thời gian.
Nhà Z
Tác phẩm dịch gần đây nhất của anh, “Khi loài vật lên ngôi”, là dịch phẩm gây được nhiều tiếng vang trong những tháng đầu tiên của năm 2017 nhưng cái tên Karel Čapek trước đó thì tương đối xa lạ với độc giả Việt Nam. Từng có một bản dịch tên là “Cuộc chiến tranh với loài lưỡng thế” do Đông Tây xuất bản năm 2004 nhưng cuốn sách không được đón nhận rộng rãi. Anh bắt đầu quan tâm đến Karel Čapek từ khi nào?
Đăng Thư
Thời gian tôi bắt đầu làm việc dịch thuật là thời gian tôi đọc nhiều, đọc đủ loại để vừa luyện thêm tiếng Anh vừa chọn sách để dịch, và các tiệm sách cũ ở Sài Gòn là nguồn cung ứng duy nhất các tác phẩm tiếng Anh xuất bản trước 1975. Tôi đọc “Khi loài vật lên ngôi” trong giai đoạn đó qua một bản dịch “War with the Newts” của Marie & Robert Weatherall in dạng sách bỏ túi giá rẻ của nhà Bantam Books những năm 1960. Tôi có tính tò mò, đọc được cuốn nào mình thấy ấn tượng mạnh thì cố tìm kiếm thêm các tác phẩm khác của cùng tác giả để đọc tiếp và đọc cả những biên khảo về tác giả và tác phẩm để hiểu rõ hơn. Nhưng do điều kiện khó khăn chung lúc đó, tôi không tìm được thêm tác phẩm nào khác của Čapek và ngay cả cuốn “War with the Newts” ấy tôi cũng không còn giữ được, và theo thời gian tôi cũng quên mất Čapek.
Đến khoảng 2005, nhờ có Internet và tôi tình cờ tìm thấy bản dịch “War with the Newts” của David Wyllie và nỗi tò mò về Čapek ngày xưa được khơi lại. Tôi bắt đầu tìm hiểu về tác giả để biết ông còn viết những tác phẩm nào khác, những thông tin trên mạng bắt đầu dẫn dắt tôi vào cuộc kiếm tìm. Và các kho ebook miễn phí lẫn Amazon là nguồn để tôi góp nhặt những gì liên quan đến Čapek trong khả năng của mình. Tôi không hề biết đã có bản dịch “War with the Newts” với tựa “Cuộc chiến tranh với loài lưỡng thê” (từ bản tiếng Nga) do Đông Tây xuất bản. Trong lúc tôi dịch thì các bạn sách trên Facebook mới cho tôi biết thông tin đó, và sau khi bản dịch của tôi xuất bản thì một bạn quen qua Facebook gửi tặng cho tôi một bản của Đông Tây. Theo trang thông tin lưu chiểu thì “Cuộc chiến tranh với loài lưỡng thê” chỉ in có 700 cuốn. Tôi nghĩ bản dịch này ít người đọc biết đến vì in số lượng ít và công ty xuất bản không nỗ lực làm công tác truyền thông quảng bá, đặc biệt là thời điểm ấy chưa có mạng xã hội như bây giờ.
Nhà Z
Anh có nói, khi thích ai thì anh đọc hết các tác phẩm của người đó, lẫn tác phẩm viết về người đó. Anh đã sưu tập toàn bộ Ray Bradbury và đọc cả các sách chuyên luận về tác giả này, cũng như lập facebook page để đăng tải các bản dịch Bradbury do anh thực hiện (mời bạn đọc tham khảo page của dịch giả ở link sau đây: https://www.facebook.com/iloveraybrabury/). Anh cũng đối xử như vậy với Čapek chứ? Và việc đọc những gì liên quan đến Čapek đã có ích cho quá trình dịch của anh như thế nào?
Đăng Thư
Những truyện ngắn Ray Bradbury ấy tôi bắt đầu dịch từ 1989. Khoảng năm 1990 tôi có tập hợp 10 truyện và mang tới mấy nhà xuất bản đều bị từ chối. Chỉ có một nhà xuất bản chịu in với điều kiện tôi loại bỏ một truyện trong đó ra vì họ cho rằng truyện ấy mang tính tôn giáo. Tôi không đồng ý nên bản dịch không ra đời được. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến tình yêu tôi dành cho Ray Bradbury. Tôi vẫn cố gắng tìm đọc, dịch thêm và mua cho đủ toàn tập tác phẩm của tác giả này, nếu rảnh rổi và hứng thú thì lôi các bản dịch cũ đánh máy chữ ra nhập vào máy tính, trau chuốt lại, giải quyết những chỗ khó mà trước đây tôi chưa tìm được cách xử lý ưng ý và dịch thêm truyện mới. Sau này tôi lập một trang “I Love Ray” trên Facebook một số bản dịch truyện ngắn của Ray Bradbury để chia sẻ, ai thích thì đọc.
Tôi biết đến Čapek cũng cùng lúc với Ray Bradbury nhưng tác phẩm của Ray Bradbury dễ tìm thấy ở thị trường sách cũ thời đó hơn. Khi tôi “sực nhớ” lại Čapek và bắt đầu đọc kỹ thì tôi không có thời gian để dịch chơi tuỳ hứng nữa. Một lúc nào đó có nhiều thời gian hơn tôi sẽ cập nhật tiếp trang “I Love Ray” và biết đâu sẽ có thêm một trang “I Love Čapek”?
Với hai tác giả này, thoạt đầu tôi tìm đọc các tác phẩm của họ và những chuyên luận về họ chỉ là vì quá thích nên tò mò muốn hiểu tại sao họ tài tình thế, họ chịu ảnh hưởng của ai, họ rèn luyện văn tài như thế nào, họ trưởng thành trong văn nghiệp ra sao… Tôi yêu mến họ chỉ bằng trực giác và cảm tính nên tôi muốn biết giới phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp đánh giá “tình yêu” của tôi như thế nào? Tất nhiên giới chuyên môn mà có chê thì tôi vẫn yêu mến hai tác giả này như thường nhưng trực giác của tôi không sai. Và nhờ đọc toàn bộ tác phẩm và nhiều chuyên khảo liên quan, tôi hiểu được tác giả, quen thuộc giọng điệu, cách viết của họ và nhờ vậy khi dịch sẽ có thể chuyển tải đúng tính chất của họ hơn.
Nhà Z
Được biết anh dịch “Khi loài vật lên ngôi” từ ba bản tiếng Anh khác nhau, tại sao anh lại làm như vậy? Trong các review về các bản dịch tiếng Anh thì các nhà phê bình và nghiên cứu có chỉ ra việc khi tay thuyền trưởng van Toch đến gặp Bondy để trình bày dự án thì ông ta bị quên mất rất nhiều từ trong tiếng Séc và phải dùng tiếng Anh để thay thế hoặc chêm vào, chính vì thế các bản dịch tiếng Anh bị thừa thãi mà lại không chuyển tải được những chỗ này, bản dịch tiếng Việt của anh đã vượt trội hơn hẳn. Anh có thể nói rõ hơn cách anh xử lý những đoạn đa ngôn ngữ trong “Khi loài vật lên ngôi”?
Đăng Thư
Đọc thưởng thức là một chuyện, dịch là chuyện khác. Tự biết dịch Karel Čapek qua một ngôn ngữ trung gian là đương đầu với nguy cơ tam sao thất bổn, tôi lại không biết tiếng Séc của nguyên tác nên chọn phương pháp mà tôi thấy khả dĩ hạn chế nguy cơ này: Dịch đối chiếu tổng hợp theo cả ba bản tiếng Anh “War with the Newts” của Marie & Robert Weatherall (1937); của Ewald Osers (1985), và của David Wyllie (2002). Tuy có ưu nhược khác nhau, mỗi bản Anh ngữ đều có giá trị riêng. Vợ chồng dịch giả Weatherall là người có công đầu giới thiệu tác phẩm Čapek với độc giả Anh ngữ. Người vợ, bà Marie Isakovicsová, là người Séc. Dịch giả Ewald Osers cũng là người Séc. Còn David Wyllie là người Anh. Tổng hợp cả ba bản Anh ngữ này để dịch “War with the Newts” sang tiếng Việt, tôi nghĩ bản dịch của mình sẽ không cách biệt nhiều với nguyên tác.
Không biết tiếng Séc vậy thì tôi cần gì phải nhờ mua từ Praha nguyên bản tiếng Séc? Một trong những nhân vật chính xuất hiện ngay chương đầu là một thuyền trưởng Czech nhưng suốt ba mươi năm viễn du chỉ nói toàn tiếng Anh và một số thổ ngữ Thái Bình Dương nên khi trở về quê hương ông nói tiếng Czech nhưng hay chêm tiếng Anh vào vì quên mất từ tương đương trong tiếng mẹ. Trong hai bản Anh ngữ thì tính chất này mất hẳn, tôi nhận ra nhờ bản dịch của cặp Weatherall nhưng hai dịch giả này lại xử lý bằng cách cho nhân vật nói tiếng Anh chêm tiếng… Đức! Tôi phải tìm nguyên tác Čapek để đối chiếu. Việc đối chiếu này không cần kỹ năng ngôn ngữ Czech mà chỉ cần để ý hình thái. Bản tiếng Czech nhờ mua được cũng có một phần chú thích cuối sách liệt kê các từ tiếng Anh và số trang, kèm theo giải thích cho độc giả bản ngữ, nên cũng rất tiện cho tôi. Trong bản dịch của mình, tôi cho nhân vật nói tiếng Việt chêm tiếng Anh cho gần với tinh thần nguyên tác hơn:
“…Ví dụ như ngày hăm lăm tháng Sáu nhé…, ờ, tức là năm ngoái… Ja, đây rồi. Thằng Dayak giết một con cá mập. Đám lizard rất interest, ờ, rất thích cái xác cá mập chết. Toby, đó là một con thằn lằn nhỏ con mà khôn lanh, – thuyền trưởng giải thích, – Tôi phải đặt tên cho chúng nghe anh, vậy tôi mới biết con nào là con nào mà ghi vào sổ. Đó, Toby thọc mấy ngón tay vào cái lỗ dao đâm trên cái xác. Buổi chiều, chúng mang một cành khô đến đống lửa của tôi. Không, không phải chuyện này, – thuyền trưởng lằm bằm. Để tôi tìm ngày khác. Ngày hai mươi tháng Sáu nhé? Đám lizard tiếp tục xây… xây… cái jetty, tiếng Tiệp gọi sao ấy nhỉ?
– Hráz, đập chắn à?
– Ja, đập chắn…”
Người bạn mua bản tiếng Séc cho tôi từng du học và làm việc ở Séc lâu năm. Dịch xong chương nào tôi email cho bạn ấy nhờ đối chiếu lần nữa với nột nguyên bản tương tự để góp ý. Tại sao tôi phải mất công như vậy? Tôi chỉ có thể nói: Tôi thích.
Nhà Z
Nhiều độc giả Việt Nam vẫn còn băn khoăn liệu bản dịch tiếng Việt thay đổi font chữ là sự tùy tiện của công ty xuất bản. Được biết ở bản tiếng Séc đầu tiên, Čapek đã tích hợp việc thay đổi font chữ cũng như các hình ảnh để tạo ấn tượng về mặt thị giác. Ở các bản tiếng Anh, cũng có sự thay đổi font chữ như trong bản tiếng Việt chứ?
Đăng Thư
Mãi đến khi tôi đọc được chuyên khảo “From Lowbrow to Nobrow” của giáo sư Peter Swirski (2005) tôi mới biết là cả nguyên bản và bản dịch tiếng Anh “War with the Newts” đầu tiên của cặp dịch giả Weatherall đều sử dụng nhiều font chữ để tạo ấn tượng thị giác và tăng thêm một tầng ý nghĩa cho tác phẩm. Vậy là lâu nay tôi chỉ đọc có “một nửa”! Tôi nhớ lại bản sách bỏ túi Bantam Books tôi đọc ngày xưa không hề có yếu tố thị giác này! Bản ebook của David Wyllie cũng không thấy! Bản sách của Ewald Osers (1985) cũng không thấy! Những yếu tố đồ hoạ duy nhất trong các bản này là hình vẽ bộ xương con Andrias Scheuchzeri và hai mẫu báo tiếng A-rập và tiếng Nhật. Tôi tìm hiểu thêm và cố tìm bản in Weatherall 1937.
Việc dàn trang bằng máy tính với nhiều font chữ luôn là công việc mất nhiều công sức nên ngay cả ở Séc, khi in lại nguyên tác của ông, những bản in mới cũng đã loại bỏ các yếu tố này (giống như bản in bạn tôi mua từ Praha). Các bản dịch mới sang các ngôn ngữ khác cũng thường giữ lại phong cách nội dung nhưng hy sinh hình thức thị giác. Nhưng trình bày theo đúng tinh thần tác phẩm vào thời Capek, thời sắp chữ chì, quả đúng là một ác mộng cho mọi người thợ nhà in. Và tước bỏ những yếu tố đồ họa thị giác lại làm mất đi một nửa linh hồn của “Khi loài vật lên ngôi,” một nửa tài tình của Capek trong khi ông đã có chủ đích sử dụng thủ pháp ấy ngay từ lúc tác phẩm còn đăng báo nhiều kỳ trước khi in thành sách. Chính vì thế, nhà xuất bản Penguin khi tái bản lại bản dịch tiếng Anh “War With The Newts” của tác phẩm này để in trong bộ 10 cuốn Central European Classics (2010) đã quyết định rất đúng là scan lại bản dịch Anh ngữ đầu tiên của cặp dịch giả Weatherall thời sắp chữ chì 1937 để giữ nguyên cái hồn thị giác. (Xem ảnh thứ 3: bản in tiếng Anh năm 2010, bản dịch tiếng Đức, và một trang phỏng theo cách thay đổi font chữ của nhà nghiên cứu Peter Swirski)
Tôi tìm được trên mạng một số bản PDF scan trực tiếp từ sách in các bản dịch tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Esperanto thì các bản này cũng theo sử dụng nhiều font chữ và trình bày theo tinh thần của nguyên bản Čapek đầu tiên. Tôi dùng chữ “tinh thần” ở đây là có cơ sở. Do khổ sách in khác nhau và việc chuyển ngữ; độ dài câu chữ và số trang của mọi bản dịch sẽ biến đổi không còn như giống nguyên bản. Thêm nữa, các nhà in sắp chữ chì ngày xưa và các hoạ sĩ trình bày ngày nay ở phương Tây đều phải mua các bộ chữ chì và các kiểu font chữ, và không ai có thể và cũng không cần phải lưu trữ sẵn mọi kiểu chữ. Vì vậy các kiểu chữ tương đương sẽ được thay thế, thêm bớt và sẽ có phần khác biệt không những với nguyên bản và còn khác biệt giữa bản dịch các ngôn ngữ.
Nhưng có một bản tiếng Séc đặc biệt năm 1965 của Nhà xuất bản Văn học-Nghệ thuật Quốc gia (SNKLU) ở Tiệp Khắc thời đó đã đẩy yếu tố thị giác lên cao hơn nữa. SNKLU mời hoạ sĩ minh hoạ Teodor Rotrekl và hoạ sĩ trình bày Vaclav Blaha cùng thực hiện một ấn bản sách dành cho người sưu tập. Bản này in trên giấy nhiều màu, kết hợp cả băng gấp, trang dán, hình nền… (không hề có trong những ấn bản đầu tiên) và hai hoạ sĩ sáng tạo thêm cả đồ hoạ lẫn kiểu chữ để biến của Čapek thành một tác phẩm đồ hoạ độc đáo. Điều thú vị là khi nhà xuất bản Open Books ở Hàn Quốc lần đầu tiên xuất bản bản dịch của tác phẩm này vào năm 2010 thì Open Books lại chọn mua bản quyền phần trình bày đồ hoạ sáng tạo của bản đặc biệt 1965 của SNKLU, giữ đúng kích thước, số trang, hình thức như bản tiếng Séc chỉ thay nội dung tiếng Hàn.
Tôi đã đề nghị Tao Đàn chịu khó trình bày theo tinh thần này cho đúng chất Čapek, và tôi chọn một bản scan PDF bản dịch tiếng Đức (trình bày khá giống với bản Weatherall 1937) chuyển cho Tao Đàn tham khảo. Ngay trong bản thảo của mình, tôi cũng thay đổi font chữ tương đương theo bản Weatherall 1937 để lưu ý với Tao Đàn khi biên tập và trình bày. Việc tái hiện phong cách ngôn từ nằm trong khả năng của người dịch, nhưng việc tái hiện hình thức thị giác không thể nào thực hiện được nếu không có sự ủng hộ của Tao Đàn. Giá như có một lời giới thiệu đầu sách thì có lẽ các độc giả chưa quen với lối trình bày này đã không thắc mắc.
Nhà Z
Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. (Và xin mời độc giả chiêm ngưỡng các dịch phẩm cũng như bộ sưu tập Bradbury và Capek của dịch giả Đăng Thư.)